Triển khai Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên trong giai đoạn từ trước 01/3/2013 đến nay có sự khác nhau về quy định cho phép đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản của cơ quan có thẩm quyền dưới các hình thức (quyết định, giấy phép hoặc văn bản xác nhận) giữa pháp luật đầu tư, pháp luật xây dựng và pháp luật nhà ở. Và có sự khác nhau về thẩm quyền cho phép đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư nhưng quy định chuyển tiếp tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP đều không rõ ràng.
Do đó, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên chia làm 03 trường hợp như sau:
– Trường hợp Dự án trển khai giai đoạn trước ngày 01/3/2013 (trước khi Nghị định số 11/2013/NĐ-CP có hiệu lực): Dự án không thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP (Luật đầu tư 2005 và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP không quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với UBND tỉnh), phải thực hiện thủ tục thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật đầu tư 2005, việc lựa chọn nhà đầu tư và Quyết định cho phép đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 và khoản 2 Điều 15 Quy chế Quản lý Khu đô thị mới ban hành kèm theo Nghị định số 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
– Trường hợp Dự án triển khai từ 01/3/2013 đến trước ngày 01/7/2015 (từ khi Nghị định số 11/2013/NĐ-CP có hiệu lực đến trước khi Luật Đầu tư 2014, Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực): Dự án không thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, phải thực hiện thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật đầu tư 2005, Dự án phải thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
– Trường hợp Dự án triển khai từ 01/7/2015 (sau khi Luật Đầu tư 2014, Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực): theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư 2014, Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp Dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, Dự án phải thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư theo quy định tại điểm a Khoản 1 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Điều 156), hành vi diễn ra ở thời điểm nào thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm đó, trong đó cần lưu ý quy định chuyển tiếp (nếu có) để áp dụng chính xác.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu đô thị đang gặp khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư của dự án giữa Luật Đầu tư năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị; đồng thời do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thị trường xây dựng trầm lắng. Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì đầu tư kinh doanh và góp phần ổn định thị trường trong thời gian sớm nhất và theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ quyết nghị việc áp dụng thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị kể từ ngày 01/7/2015 (khi Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực) cho đến ngày Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 có hiệu lực, cụ thể như sau:
– Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014: Các dự án này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
– Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 đồng thời được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP: Các dự án thực hiện theo quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 và quyết định chấp thuận đầu tư của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
– Đối với các dự án chưa hoặc đang thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 thì thực hiện việc quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 và không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu có liên quan và đảm bảo việc kết nối đồng bộ của các dự án trong mỗi khu vực đô thị.