Thủ tục thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng

Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 là việc cụ thể hoá quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng đối với dự án có quy mô từ 5ha (hoặc từ 2ha đối với dự án xây dựng nhà ở chung cư), cụ thể như sau:

1. Trường hợp lập quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc tổng mặt bằng

Theo Điều 14 Nghị định 37/2010/ND-CP được bổ sung bởi điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị định 71/2019/NĐ-CP:

– Các khu vực trong thành phố, thị xã, thị trấn, khi thực hiện đầu tư xây dựng thì phải lập quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng;

– Đối với dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) thì có thể lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết. Bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phân khu; đảm bảo sự đấu nối hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với không gian kiến trúc với khu vực xung quanh.

Theo khoản 5, Điều 10 Nghị định 44/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) thì tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng hoặc giấy phép quy hoạch; đảm bảo việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với không gian kiến trúc khu vực.

2. Thành phần hồ sơ thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết

Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP:

– Đối với thẩm định đồ án, đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thành phần hồ sơ gồm:

(1) tờ trình đề nghị thẩm định của Chủ đầu tư;

(2) thuyết minh tổng hợp nội dung đồ án bao gồm bản vẽ in màu thu nhỏ khổ A3 và 01 đĩa CD copy toàn bộ nội dung của đồ án quy hoạch (theo khoản 2 Điều 10 Thông tư số 12/2016/TT-BXD)

(3) dự thảo quy định quản lý theo đồ án quy hoạch;

(4) dự thảo quyết định phê duyệt đồ án;

(5) các phụ lục tính toán kèm theo;

(6) các bản vẽ in màu đúng tỷ lệ theo quy định: theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 12/2016/TT-BXD;

(7) các văn bản pháp lý có liên quan: chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, quyết định lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế về quy hoạch kèm hồ sơ năng lực, chứng chỉ hành nghề;

– Đối với thẩm định đồ án, đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đặc thù, điểm dân cư nông thôn (theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP), thành phần hồ sơ gồm: (1), (2), (3), (4), (6), (7) và văn bản giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư về nội dung đồ án quy hoạch; hồ sơ pháp nhân và hồ sơ năng lực của tổ chức tư vấn lập quy hoạch xây dựng; đĩa CD sao lưu toàn bộ nội dung hồ sơ đồ án.

– Số lượng: 03 bộ.

3. Thẩm quyền thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết

Theo Điều 41 Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 và điều 31 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP, thẩm quyền thẩm định được quy định như sau:

– Sở Quy hoạch Kiến Trúc/Sở Xây dựng (gọi chung là Sở ngành): thẩm định đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với quy hoạch chi tiết các khu vực trong đo thị có phjam vi liên quan đến địa giới hành chính của 02 quận, huyện trở lên, khu vực có ý nghĩa quan trọng, khu vực trong đo thị mới – Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009).

– Phòng Kinh tế – Hạ tầng/Phòng Quản lý đô thị (gọi chung là phòng Kinh tế – Hạ tầng): thẩm định đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân huyện (đối với quy hoạch chi tiết trong địa giới hành chính do mình quản lý, sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh).

4. Trình tự thực hiện thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết

4.1 Đối với thẩm quyền phê duyệt thuộc UBND tỉnh

a) Bước 1. Nộp hồ sơ

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình nộp hồ sơ đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

– Công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ:

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận, lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, trao cho người nộp hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì hướng dẫn cho người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

– Chuyển hồ sơ đến Sở ngành giải quyết.

b) Bước 2. Thẩm định hồ sơ

Sở Xây dựng tổ chức thẩm định hồ sơ:

– Ra văn bản kết quả thẩm định (đối với trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu).

– Ra văn bản yêu cầu điều chỉnh (đối với trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu).

– Ngay khi có kết quả, Sở ngành chuyển ngay đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để trả kết quả.

c) Bước 3. Trả kết quả

– Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thông báo người nộp hồ sơ để nhận kết quả và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan (nếu có).

– Người nộp hồ sơ mang theo Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để được hướng dẫn thực hiện các nghĩa vụ có liên quan (nếu có) và nhận kết quả.

d) Thời hạn giải quyết: 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

đ) Lệ phí: Chi phí thẩm định đồ án quy hoạch được xác định theo quy định của Thông tư số 20/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

4.2 Đối với thẩm quyền phê duyệt thuộc UBND huyện

a) Bước 1. Tiếp nhận hồ sơ

– Chủ đầu tư nộp hồ sơ đến Trung tâm Hành chính công huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Trung tâm hành chính công huyện).

– Công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ:

+ Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì lập biên nhận hồ sơ, hẹn ngày trả kết quả cho người nộp hồ sơ.

+ Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì hướng dẫn cho người nộp hồ sơ hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

– Chuyển hồ sơ đến Phòng Kinh tế – Hạ tầng xử lý.

b) Bước 2. Thẩm định hồ sơ

Phòng Kinh tế – Hạ tầng tổ chức thẩm định hồ sơ, phối hợp chính quyền địa phương,phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp, lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại nơi lập dự án xây dựng và lập biên bản họp lấy ý kiến của cộng đồng:

– Ra văn bản kết quả thẩm định (đối với trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu).

– Ra văn bản yêu cầu điều chỉnh (đối với trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu).

– Ngay khi có kết quả, Phòng Kinh tế – Hạ tầng chuyển ngay đến Trung tâm hành chính công huyện để trả kết quả.

c) Bước 3. Trả kết quả

– Trung tâm hành chính công huyện thông báo người nộp hồ sơ để nhận kết quả và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan (nếu có).

– Người nộp hồ sơ mang theo Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đến Trung tâm hành chính công huyện để được hướng dẫn thực hiện các nghĩa vụ có liên quan (nếu có) và nhận kết quả.

d) Thời hạn giải quyết: 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

đ) Lệ phí: Chi phí thẩm định đồ án quy hoạch được xác định theo quy định của Thông tư số 20/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

5. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính

– Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;

– Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

– Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

– Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.

– Thông tư số 20/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

>>> Xem thêm bài: Lập dự án đầu tư, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.